Ngôn ngữ Tiếng Việt có cách rất hay để mô tả trạng thái mối quan hệ tình cảm yêu đương giữa hai người. Yêu, theo Tiếng Anh, love, fall in love, in love with…Giữa gia đình hay người yêu, đều dùng một từ chung là love. Tiếng Việt bên cạnh “yêu”, còn có “thương”.

Nhìn từ Chiêm tinh học, hoạt động “yêu” gắn với h5 là niềm vui, sự thu hút, trong khi “thương” là ở h4, đặt ai đó vào lòng để thương, để coi như là người thân. H7 để chỉ một mối quan hệ có tính chất lâu dài. Mối quan hệ giữa 2 người yêu lâu bền cần đáp ứng ít nhất 3 khía cạnh thuộc h5, h4, h7 trước khi bàn đến những khía cạnh khác (sự hấp dẫn giới tính ở h8, cùng chí hướng ở h9, chia sẻ thời gian, không gian riêng với nhau ở h11, h12). Người ta yêu có thể đến với nhau ban đầu vì chữ tình (yêu h5), nhưng ở lại với nhau là vì chữ nghĩa (thương lâu bền h4 và h7). Người ta ở lại với nhau vì chữ thương nhưng có thể xa nhau vì đã không còn yêu. Cả yêu và thương cần hòa quyện với nhau trong một mối quan hệ tình cảm với người yêu mà bạn muốn đi cùng lâu dài trong cuộc đời.

Anh/em thật tốt, đã làm nhiều điều, đã chấp nhận, đã chịu đựng, đã chăm sóc âm thầm, đã kiên nhẫn đáp ứng ….. Nhiều đến mức em/anh không thể không nhận thấy nhưng lại không làm cách nào đáp trả được. Bởi trong tình thương giữa chúng ta, thiếu một ngọn lửa yêu đương đam mê nhiệt thành. Mối quan hệ giữa chúng ta gần hơn với cảm giác người thân trong gia đình. Tuy quan trọng đó, không thể thiếu đó lại không tạo cảm giác nguyện ý ở bên cả đời. Hay sẽ nguyện ý, cho đến một ngày bất chợt gặp một người khiến ta cảm thấy không thể thiếu được trên đời này. Everything seems right whenever I’m with you … how can I tell her about you? (How can I tell her? Lobo). Đó là khi ta chọn ở bên một ai đó, chỉ vì cảm động bởi tấm chân tình, bởi động lòng chứ không phải bởi tình yêu. Tình huống được gọi với cái tên “rất tốt nhưng rất tiếc”.

Ta có thể động lòng (h4) với sự chăm sóc quan tâm của một người. Điều theo quan sát, phụ nữ, vốn cần hơn một mái ấm so với sự bồng bột yêu đương, dễ cảm động hơn trước sự chân thành, nên dễ chọn lựa ở bên một ai vì thương rồi dần dà mới yêu (h5). Các mối tình thế hệ trước diễn tiến theo chiều hướng này thường khá lâu bền và hạnh phúc. Ngày nay, mọi chuyện hẳn khác rồi. Nam và nữ hiện đại coi trọng cảm xúc bản thân khiến cho sự động lòng cũng chỉ duy trì được phút chốc kéo dài. Khi sự cảm động qua đi, cảm xúc không còn, đường ai nấy đi là chuyện dự đoán được.

Mặt khác, ta rất khó động tâm sâu xa (h12, Sun). Mỗi cái xúc chạm của người khác vào ta đều để lại vết dấu nông sâu khác nhau. Có cái chạm lướt qua, có cái chạm lại sâu tận tâm can. Vì một vết thương thời thơ ấu hay thậm chí từ một kiếp xa xôi nào đó mà sự động tâm xảy đến. Hermione giỏi và thông minh nhưng ít nhiều có sự mặc cảm tủi thân khi sống trong thế giới các phù thủy đều có gốc gác. Những kẻ ác miệng vừa ghen tị với sự giỏi giang lại vừa khinh bỉ gốc gác Muggle của cô. Trong bối cảnh đó, Ron với sự dũng cảm ngây thơ đã mấy lần bị cấm túc vì dám lên tiếng bênh vực cô trong lớp học của thầy Snape. Điểm động tâm này gieo mầm cho cây tình yêu lớn lên giữa hai bạn trẻ. Cho nên, khi nghe chính Ron bắt chước và cười nhạo điệu bộ của mình, Hermione mới tổn thương đến vậy. Bởi còn gì đau đớn hơn bị chính người mình tưởng đã đi chạm vào cốt lõi mềm yếu bên trong ta làm tổn thương? Trong khi, tâm ta lại mong chờ được chở che, bảo vệ.

Tình yêu ở h5 cần tình thương ở h4 để bền vững, tình thương ở h4 cần tình yêu ở h5 để thăng hoa. Tình cảm giữa hai người trong mối quan hệ cần cả sự động lòng để ở bên nhau dài lâu và quan trọng hơn, cần sự động tâm để biết ý nghĩa sự tồn tại của một người trong cuộc đời ta

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *